Khi vụ sạt lở kinh hoàng tại sông Vàm Nao (ngày 22.4), khiến 14 căn nhà xây kiên cố bị nuốt xuống sông diễn ra, nhiều người xác định nguyên nhân do tình trạng khai thác cát tràn lan ở đầu và cuối sông từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, cũng không ít người dân địa phương thì thầm cho rằng đó là do “ông Năm Chèo” – một con cá sấu 5 chân ẩn núp dưới lòng sông trở mình gây ra. Vậy “ông Năm Chèo” là ai?
“Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà”
Sông Vàm Nao chảy qua địa phận các xã Kiến An, Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới), xã Tân Trung (huyện Phú Tân), xã Bình Thủy (huyện Châu Phú) của tỉnh An Giang. Sông dài chỉ hơn 7 km, nhưng độ sâu lên đến hơn 17m. Sông Vàm Nao là con sông nổi tiếng với nhiều cái nhất: là con sông duy nhất nối sông Tiền và sông Hậu; ngắn nhất trong hệ thống sông ngòi Việt Nam; có nhiều cá khổng lồ có tên trong Sách đỏ Việt Nam nhất; có nhiều cá dữ, cá lạ nhất…
Theo cuốn sưu khảo “Tân Châu xưa” của Nguyễn Văn Kiềm và Huỳnh Minh biên soạn thì Vàm Nao còn gọi là xoáy Hồi Oa vì nước chảy cuộn xoáy dữ tợn, đến nỗi rắn bơi qua bị xoáy nước cuốn vào vặn đứt đuôi. Nơi đây có loài cá dữ rình rập người bơi qua sông, ghe thuyền bị lật để ăn thịt người. Bởi vậy từ năm 1700, khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh phụng mệnh chúa Nguyễn mở cõi về Nam khi đến đây đã tứ danh Vàm Nao là “Thuận Vàm” với mong muốn tai nạn giảm thiểu. Gần 100 năm sau, Bùi Hữu Nghĩa – một vị quan của triều Nguyễn khi bị lưu đày về vùng Châu Đốc, khi đi ngang qua vùng Thoại Sơn, Vàm Nao đã cảm khái: “Một thuyền cầm hạc một mình ta/ Đường hiểm gian nan khắp trải qua/ Núi Sập, sấm rền vang tiếng muỗi/ Vàm Nao, nước chảy đứt đuôi xà…”.
Sông Vàm Nao còn gắn liền với một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc khi năm 1819, Thoại Ngọc Hầu cho đào kênh Vĩnh Tế phân chia biên giới Việt Nam – Campuchia dài hơn 100km ở vùng “Châu Đốc tân cương”. Việc đào kênh giữa chốn đồng không mông quạnh, nhiều sơn lam chướng khí, nên việc ăn uống, thuốc men chữa bệnh thảy đều thiếu thốn thời điểm đó đã khiến gần 7.000 người chết do bệnh tật, kiệt sức; vì thú giữ như sấu, rắn rết… Đặc biệt trong số gần 7000 người chết, có một con số không nhỏ chết do bỏ trốn qua đường sông Vàm Nao bị cá dữ ăn thịt, sóng gió nhấn chìm…
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu trong cuốn “Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang” đã kể chi tiết việc này như sau: “Sông Vàm Nao hồi ấy hẹp nhưng độ sâu đáng sợ. Cá mập tránh sóng to của đại giang, vào trầm mình ở đó vô số. Sưu dân đa số là người của miệt dưới, tức Sa Đét, Long Hồ, Trà Vang… Họ muốn trốn về đường đó, vì đây là đường tắt, rừng bụi nhiều và cách xa đường dịch trạm (tức công lộ), không có đồn ải ngăn chặn. Người ta đợi giữa đêm khuya, họp thành đàn cho đông, mỗi người ôm một cây chuối để làm ống nổi rồi nhảy ào xuống nước một lượt mà lội để cho cá không ăn kịp. Họ tính cao như vậy nhưng khi sang đến bờ bên kia, mười người chỉ còn sống sót được có năm ba người và có khi bị cụt mất tay chân…”.
Sau gần 200 năm, Vàm Nao vẫn là “Vàm Nao nước chảy đứt đuối xà” với những tai ươn liên tục đổ xuống đầu người dân. Lão ngư Ba Song, người dân ngụ ở ấp Vàm Nao (xã Tân Trung, huyện Phú Tân) kể: “Những năm lũ lớn, ghe tàu qua ngã ba sông Vàm Nao hay bị sóng lưỡi búa đánh chìm, cứ cách vài ngày lại nghe văng vẳng tiếng khóc, kêu cứu… Những thợ lặn gan lì nhất cũng sợ đánh đổi mạng nên không dám lặn mò xác tàu, xác ghe nằm vất đáy sông, còn dân bản địa dù thuộc làu nhưng qua lại cũng dè chừng”.
Gần nhất, ngày 22.4, một trận sạt lở đã làm 14 căn nhà xây kiên cố trong chớp mắt sập đổ xuống lòng sông vô tăm tích. Và mép sạt lở đã ăn sâu vào đường liên xã khoảng 2m, làm cắt đứt tuyến đường giao thông từ xã Mỹ Hội Đông đi Nhơn Mỹ. Hiện khu vực này tiếp tục có dấu hiệu rạn nứt ăn sâu vào khoảng 1,5m; dài 8m, làm ảnh hưởng đến 11 căn nhà. Chưa hết, theo kết quả khảo sát của Trung tâm quan trắc, Sở TN-MT tỉnh An Giang, khu vực đang xảy ra sạt lở đã xuất hiện hố xoáy dài 380m, ngang 120m, sâu (âm) 42m nên nguy cơ sạt lở vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới.
Nghiệt súc “Năm Chèo”
Ông “Năm Chèo” là huyền thoại về một con nghiệt súc – cá sấu 5 chân được người dân vùng Thất Sơn lưu truyền trong dân gian từ hơn 100 năm nay. Nhiều năm trước, chúng tôi may mắn gặp được hậu duệ của người được cho là đã nuôi con nghiệt súc “Năm Chèo” năm xưa. Đó là bà Hồ Thị Cưng, cháu ngoại đời thứ tư của ông Đình Tây (đạo sĩ Bùi Văn Tây, đệ tử thứ ba của Đức Phật Thầy Tây An) ở xã Thới Sơn (Tịnh Biên, An Giang). Bà Cưng đang trông coi nơi thờ tự ông Đình cũng như năm bảo bối mà Đức Phật Thầy giao cho bắt sấu “Năm Chèo” năm đó.
Theo bà Cưng, chuyện bắt đầu từ một lần ông Đình Tây đi hành thiện tới vùng láng (Láng Linh) thì thấy trong một căn chòi rách nát có một phụ nữ chuyển bụng sắp sinh con nhưng lại ở nhà một mình. Thấy hoàn cảnh đáng thương, ông Đình Tây xông xáo cùng mọi người làm vách che, lợp lại mái dột căn chòi. Việc vừa xong thì chồng người phụ nữ này cũng kịp về tới nhà. Cảm kích sự giúp đỡ của mọi người, anh này khoe với ông Đình Tây hai giỏ cá vừa bắt được để lo cho vợ vượt cạn, rồi móc từ túi bên hông ra một con vật nhỏ. Đó là con sấu rất kỳ lạ, da nó trơn bóng chứ không sần sùi, chót mũi có màu đỏ rực, đặc biệt có thêm bàn chân mọc ra từ chân bình thường (móng đeo). Ông Đình Tây thấy hình dạng con sấu kỳ lạ nên thích thú, anh chồng liền tặng ông con sấu này.
Ông Đình Tây về trình với Đức Phật Thầy những việc hành thiện và cho ngài xem con sấu lạ. Vừa thấy con cá sấu, Đức Phật Thầy giật mình, sau đó thở dài bảo ông Đình Tây không nên nuôi con cá sấu này, bởi nó là loài nghiệt súc sẽ làm điều hại bá tánh. Nhưng ông Đình Tây thương xót không nỡ, sau đó lui về đình Thới Sơn, lén nuôi sấu nhỏ ở góc hồ sen trước sân đình. Thấy sấu lớn nhanh, ông lấy dây cột chân nó lại. Càng lớn con sấu càng có tính khí hung bạo, ông liền thay bằng sợi dây xích bằng sắt để nó không thoát được.
Thế rồi sau một đêm mưa to, gió lớn, ông Đình Tây giật mình phát hiện con cá sấu bức xích biến mất. Lần theo sợi dây xuống hồ, ông Đình Tây phát hiện một bàn chân sấu bỏ lại cùng với sợi xích. Hóa ra nó cắn bỏ một bàn chân để thoát thân! Ông Đình Tây bẩm báo Đức Phật Thầy. Ngài điềm nhiên như đã tiên đoán được việc xảy ra và trao cho ông Đình Tây năm món bảo bối gồm hai cây lao, một cây mun cổ phụng, một lưỡi câu và một đường dây băng. Đồng thời, ông Đình còn được truyền “khẩu quyết biệt truyền” để thu phục nghiệt súc.
Một thời gian sau, tin dữ bất ngờ lan truyền trong vùng: Có một con sấu mũi đỏ khổng lồ xuất hiện ở khu vực Láng Linh – nơi năm xưa ông Đình Tây được tặng con sấu nhỏ. Nó to như một chiếc ghe lớn, nổi lên tạo những cơn sóng lớn nhấn chìm xuồng ghe của những người xuôi ngược trên sông. Có lúc nó lên bờ bắt heo, gà nuôi trong chuồng của dân, lúc sát hại người, gây biết bao nỗi kinh hoàng.
Ông Đình Tây vội vã gặp Đức Phật Thầy xin thu phục con nghiệt thú, nhưng khi ông đến nơi là sấu lặn mất. Cứ thế nhiều lần, hễ ông về thì sấu lại nổi lên quấy phá làm kinh hồn dân làng. Có người thấy sấu nổi lên liền gọi thất thanh tên ông Đình Tây thì sấu tháo chạy.
Một lần, ông Đình Tây quyết tâm ở lại chờ bắt sấu cho bằng được nhưng ngày qua vẫn không thấy sấu xuất hiện. Ông đứng giữa vùng láng kêu lớn: “Hỡi loài ngặc ngư, nếu thiên cơ được định, ngươi nên nằm yên sám hối tu hành, còn nếu số ngươi đã tận thì mau nổi lên theo ta về”. Ông Đình Tây chờ đến ba ngày vẫn không thấy bóng dáng con sấu đâu, nhưng mãi từ đó về sau, không nghe ai kể sấu nổi lên quấy phá dân làng nữa. 58 năm sau (1914) thì ông Đình Tây viên tịch, đến nay đã trải qua 96 lần lễ giỗ. Bà Cưng cho chúng tôi xem năm bảo bối được Đức Phật Thầy giao cho ông Đình Tây năm xưa, được lộng vào khung kiếng, thờ cúng trang nghiêm.
Hơn 100 năm qua nhưng dân gian vẫn truyền nhau những câu chuyện thực hư về ông “Năm Chèo”. Rất nhiều người vẫn cho rằng ông “Năm chèo” đang ẩn mình trên sông Vàm Nao và mọi tai ươn liên quan đến mạng người, tài sản trên khúc sông này thời gian qua đều do ông “Năm Chèo” gây ra. Ngay như trận sạt lở làm biến mất 14 căn nhà vừa rồi, nhiều người tin đó là do ông “Năm Chèo” trở mình… Sông Vàm Nao đã và đang nhuốm màu huyền thoại.