Rất nhiều lần tôi đã được hỏi học ngành gì, và mỗi khi trả lời là “học kinh tế” thì lại phải giải thích “kinh tế chứ không phải kinh doanh đâu ạ, nó về các nguyên lý kinh tế ý”. Nhưng lời giải thích đó không thành công hơn là thành công. Điều buồn là khi tôi nói rằng tôi thích các môn kinh tế, không thích các môn kinh doanh, bạn bè lại không hiểu ý tôi.
Ở Việt Nam, chúng ta thường sử dụng cụm từ “làm kinh tế” để chỉ việc kinh doanh, vì vậy nhiều người nhầm tưởng rằng kinh tế = kinh doanh, và học kinh tế là học cách kinh doanh, học cách kiếm tiền. Nhưng thực ra điều này không hề đúng. Với tư cách là người yêu thích kinh tế học, hôm nay tôi quyết định viết bài này để giải thích một cách tổng quát về sự khác nhau giữa kinh doanh và kinh tế.
Kinh tế học
Nói chung, kinh tế học giải quyết các vấn đề liên quan đến cả nền kinh tế, bao gồm nhiều thực thể như doanh nghiệp, người lao động và chính phủ. Từ việc thông báo về tình trạng thất nghiệp, lạm phát, tăng trưởng đến GDP, đây là những “chủ đề nghiên cứu” của kinh tế học. Nói cách khác, kinh tế học nghiên cứu vận hành và nguyên tắc hoạt động của cả nền kinh tế.
Kinh tế học có nhiều lĩnh vực nghiên cứu với các trọng tâm khác nhau, ví dụ như kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô, kinh tế phát triển, kinh tế quốc tế, kinh tế môi trường, giới tính và kinh tế. Các nhà kinh tế học sử dụng các mô hình kinh tế được xây dựng dựa trên lý thuyết và logic để giải quyết những vấn đề này. Do đó, kinh tế học được coi là một bộ môn khoa học.
Kinh doanh
Trong khi đó, kinh doanh chỉ xoay quanh vận hành của doanh nghiệp (không bàn đến vai trò của những thực thể khác trong nền kinh tế như nhà nước). Khi nói đến kinh doanh, chúng ta nghĩ ngay đến cách thức để các công ty hoạt động hiệu quả, đạt được lợi nhuận cao. Các vấn đề mà kinh doanh quan tâm đến bao gồm huy động vốn, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, quảng cáo, vận chuyển và chăm sóc khách hàng. Các môn tài chính, kế toán, marketing, nhân sự, logistics, quản trị là các môn kinh doanh, không phải là kinh tế.
Lý thuyết kinh doanh không nhất thiết phải dựa trên nguyên lý, mà có thể là các quy ước và thói quen. Ví dụ, các điều kiện giao hàng cơ bản như FOB, CIF chỉ là các quy ước như vậy.
Tóm lại
Kinh tế quan tâm đến sự vận hành của cả nền kinh tế, trong khi kinh doanh chỉ quan tâm đến cách thức vận hành của doanh nghiệp. Kinh tế dựa trên mô hình và logic, trong khi kinh doanh dựa trên thực tế và quy ước. Với kinh tế, chúng ta nói về tăng trưởng kinh tế, thất nghiệp, lạm phát, nợ công, chính sách tiền tệ và tài khóa. Với kinh doanh, chúng ta nói về marketing, sales, quản trị kinh doanh, tài chính doanh nghiệp và nhân sự.
Hy vọng bài viết này đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về sự khác nhau giữa kinh tế và kinh doanh. Dù sau 4 năm học kinh tế, tôi lại làm kinh doanh, nhưng tôi không hối tiếc vì đã chọn kinh tế làm chuyên ngành chính và vẫn luôn yêu thích nó. Tôi hy vọng sẽ viết thêm những bài viết khác về kiến thức cơ bản về kinh tế học trong chuỗi bài viết “Economics is Fun” này.