Tụt hạng vì phương pháp mới
Sau khi tổ chức QS công bố bảng xếp hạng ĐH thế giới năm 2024 hồi tháng 6, nhiều khu vực và cơ sở giáo dục đã chứng kiến sự biến động đáng kể về thứ hạng. Trong đó, hầu hết các trường ĐH tại Hàn Quốc đều tụt hạng, gồm những tên tuổi hàng đầu như ĐH Quốc gia Seoul, ĐH Hàn Quốc, ĐH Yonsei, Viện Khoa học và công nghệ Hàn Quốc… Có những trường giảm từ 200-300 bậc, và chỉ một trường tăng hạng là ĐH Sejong.
Hầu hết các trường ĐH Hàn Quốc đang chứng kiến sự tụt hạng, trong đó có cả những tổ chức giáo dục hàng đầu của quốc gia này.
Động thái này khiến 52 trường, gồm cả trường duy nhất tăng hạng, cùng thành lập diễn đàn xếp hạng ĐH Hàn Quốc (University Rankings Forum of Korea-URFK) để phản đối phương pháp xếp hạng mới, tuyên bố rút khỏi bảng xếp hạng của QS và không cung cấp dữ liệu cho đến khi có điều chỉnh phù hợp, theo tờ University World News.
Bình luận về sự tụt hạng của các ĐH Hàn Quốc, URFK cho biết “quy mô lớn không thể tưởng tượng được” và xem đây là mối quan tâm chính. Thực trạng này, theo URFK, là do QS đã thay đổi phương pháp xếp hạng, trong đó bổ sung tiêu chí mạng lưới nghiên cứu quốc tế (international research network) gây bất lợi cho các quốc gia không nói tiếng Anh. Một nguyên nhân khác được chỉ ra là xếp hạng đang “sai sót trong tính toán”.
Phản hồi vấn đề này, ông Ben Sowter, Phó chủ tịch QS, cho biết đã kiểm tra lại dữ liệu, đồng thời tính toán lại các tiêu chí và nhấn mạnh rằng không có sai sót nào đã xảy ra như URFK phản ánh.
Về tiêu chí mạng lưới nghiên cứu quốc tế, đại diện của QS cho hay tiêu chí này đã được áp dụng từ năm 2018 trong bảng xếp hạng ĐH châu Á. “Nó không gây bất kỳ lo ngại nào cho đến nay và cũng được giới thiệu trong bảng xếp hạng ĐH thế giới vào năm trước, chỉ là không áp dụng trọng số như hiện tại”, ông Sowter chia sẻ với trang tin The PIE News.
Cũng theo ông Sowter, QS đã liên hệ các trường được xếp hạng tại Hàn Quốc để tổ chức những buổi họp 1:1 nhằm giải quyết vấn đề. Trong trường hợp không thể tìm được tiếng nói chung, bảng xếp hạng sẽ dùng cách khác để thu thập dữ liệu bất chấp sự tẩy chay. Đáp lại, ông Euiho Suh, chủ tịch URFK, tuyên bố một số trường ĐH sẽ kiện QS nếu điều này thực sự diễn ra, vì “dữ liệu từ các nguồn khác có thể không chính xác”.
Tiêu chí xếp hạng mới ra sao?
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến sự biến động lớn về thứ hạng các trường đến từ việc QS đã thay đổi phương pháp đánh giá, lần đầu tiên trong gần 20 năm qua. Cụ thể, đơn vị này đã tính thêm 3 tiêu chí xếp hạng mới là phát triển bền vững (sustainability), kết quả tuyển dụng (employment outcomes) và mạng lưới nghiên cứu quốc tế, đồng thời thay đổi trọng số của một số tiêu chí cũ.
Theo QS, thay đổi này nhằm phản ánh 3 xu hướng nổi bật trong lĩnh vực giáo dục ĐH hiện nay, đó là khả năng tuyển dụng, hợp tác học thuật và giáo dục phát triển bền vững. Cả 3 tiêu chí mới đều góp 5% trọng số trong phương pháp xếp hạng năm 2024.
Việc bổ sung tiêu chí mạng lưới nghiên cứu quốc tế cũng khiến bảng xếp hạng của QS có tổng cộng 3 tiêu chí liên quan đến gắn kết toàn cầu, chiếm tổng cộng 15% trọng số. Hai tiêu chí khác là tỷ lệ giảng viên quốc tế (international faculty ratio) và tỷ lệ sinh viên quốc tế (international student ratio) đều có chung trọng số là 5%, và tỷ lệ này không thay đổi so với năm trước đó.
Tương tự, tỷ lệ trích dẫn/giảng viên (citations per faculty) cũng giữ nguyên trọng số là 20%.
Ngược lại, một số tiêu chí xếp hạng khác chứng kiến mức thay đổi đáng kể. Danh tiếng học thuật (academic reputation) và tỷ lệ giảng viên/sinh viên (faculty student ratio) lần lượt giảm trọng số từ 40% và 20% xuống còn 30% và 10%. Trong khi đó, danh tiếng với nhà tuyển dụng (employer reputation) tăng 5% trọng số trong năm 2024, lên đến 15%.
Trình bày kết quả xếp hạng năm nay tại một hội nghị ở Dublin (Ireland) hồi tháng 6, Phó chủ tịch QS Ben Sowter cho hay tiêu chí phát triển bền vững đã ảnh hưởng quan trọng đến bảng xếp hạng ĐH thế giới. Tuy nhiên, việc giảm trọng số ở tỷ lệ giảng viên/sinh viên là nguyên nhân chính dẫn đến biến động lớn trong thứ hạng giữa các trường.
Cụ thể, theo ông Sowter, có những quốc gia sở hữu tỷ lệ giảng viên/sinh viên thấp nhưng hệ thống giáo dục ĐH lại mạnh, như Úc và Ireland, và việc giảm trọng số giúp phản ánh đầy đủ vấn đề này. Tuy nhiên, động thái trên lại khiến một số quốc gia ở Đông Á đang chứng kiến sự suy giảm trong nhân khẩu học, như Hàn Quốc và Nhật Bản, bị tụt hạng.
Chung động thái với các trường ĐH Hàn Quốc, các trường luật, trường y của những ĐH danh tiếng nước Mỹ, trong đó có cả khối Ivy League như Harvard, Columbia, Cornell… cũng tuyên bố tẩy chay bảng xếp hạng ĐH của tạp chí U.S. News & World Report vì phương pháp xếp hạng được cho là lỗi thời.