Đội tuyển Quốc gia và câu chuyện các cầu thủ nhập tịch, Việt kiều
Vụ việc 39 người nhập cư tử nạn trên chiếc xe container ở hạt Essex, nước Anh gây chấn động thế giới bởi độ thảm khốc của nó. Nhưng mặc cho những lời cảnh báo rùng rợn, dòng người di cư bằng cách này hay cách khác vẫn đổ vào các nước lớn tại châu Âu bằng nhiều con đường khác nhau và làm thay đổi theo cả chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực xã hội nước sở tại. Bóng đá, tất nhiên, không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của làn sóng người di cư.
Thành công nhờ chính sách nhập cư
Khi Pháp vô địch World Cup 1998, trong thành phần đội bóng của HLV Aime Jacquet có tới 12 cầu thủ là người nhập cư hoặc gốc gác là người nhập cư. Có thể dễ dàng kể ra những cái tên đã trở thành huyền thoại như Zidane gốc Algeria, David Trezeguet gốc Argentina, Marcel Desailly gốc Ghana, Lilian Thuram gốc Guadelope…
Tròn 20 năm sau, người Pháp vô địch thế giới lần thứ 2 với 15 cầu thủ gốc Phi trong đội hình. Họ thậm chí là những nhân tố xuất sắc nhất trong hành trình chinh phục chiếc Cúp vàng World Cup thứ 2 của Les Bleus.
Paul Pogba, ngôi sao hàng tiền vệ, gốc Guinea. Kylian Mbappe, tài năng trẻ được xem là người tiếp quản vị trí của Messi và Ronaldo trong tương lai, có mẹ người Algeria và bố người Cameroon. Ngoài ra, Samuel Umtiti hay Blaise Matuidi cũng là những trụ cột trong đội bóng của Didier Deschamps.
2 năm trước đó, Pháp là nhà Á quân châu Âu trên sân nhà với thành phần đội có tới 16/23 người không phải “100% chuẩn Pháp”. Trong đó có 10 người gốc Phi, 5 người gốc các nước châu Âu khác và trường hợp đặc biệt nhất là Yohann Cabaye có bà ngoại người Việt Nam.
Bối cảnh lịch sử của nước Pháp từ giai đoạn giữa thế kỷ XX đã biến “Gà trống Gaulois” sau này trở thành một đội bóng dạng Liên hợp quốc.
Vào giai đoạn sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, Chính phủ Pháp đã nới lỏng luật nhập cư để thuê một lượng lớn nhân lực lao động phục hồi đất nước thời hậu chiến.
2,7 triệu người đã nhập cư vào Pháp ở thời điểm đó, chủ yếu từ các quốc gia lân cận và thuộc địa cũ của Pháp như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia, Đức, Ba Lan, Cameroon, Algeria… Không một quốc gia nào có dân nhập cư nhiều như Pháp ở thời điểm đó.
Sau khi kết thúc giai đoạn phục hồi hậu chiến, Pháp bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển kinh tế khoảng cuối những năm 60, đầu những năm 70. Một lần nữa bài toán nhân lực lại được đưa ra, kéo theo đợt nhập cư thứ hai với hàng triệu người đến từ lục địa Đen, các nước châu Á.
Những thế hệ tiếp theo của hai làn sóng người nhập cư này đã đem đến cho bóng đá Pháp nguồn tài năng khổng lồ, và người Pháp cũng rất biết cách để khai thác “tài nguyên”.
Năm 1972, trung tâm đào tạo quốc gia được mở tại Vichy. Bốn năm sau đó, Liên đoàn Bóng đá Pháp (FFF) kết hợp với các đội bóng chuyên nghiệp hàng đầu để tạo ra một hệ thống học viện rộng hơn để thu hút và đào tạo các tài năng trẻ.
Đến năm 1988, trung tâm đào tạo bóng đá chuyển từ Vichy đến vùng ngoại ô phía Nam Paris, có tên là trung tâm Clairefontaine. Đây là cái nôi sản sinh ra nhiều tài năng lớn của bóng đá Pháp, đóng góp trực tiếp vào hai chức vô địch World Cup của Les Bleus.
Tại buổi lễ vinh danh nhà vô địch thế giới 2018, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảm động ôm chặt Kylian Mbappe. Hơn 1 triệu người dân đổ ra các con phố của Paris để ăn mừng ngôi sao thứ 2 trên chiếc áo đội tuyển, làm tắc nghẽn đại lộ Champs-Elysees.
Giống như trước đó tròn 20 năm, chức vô địch World Cup như một liều thuốc thần kỳ xoa dịu những bất ổn tồn tại từ lâu vì chính sách nhập cư của chính phủ Pháp, trở thành một chất keo dính cho những rạn nứt bên trong xã hội đất nước hình lục lăng.
Chuyện của nước Đức
Không may mắn như Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phải nhận rất nhiều chỉ trích vì chính sách nhập cư sau khi đội tuyển Đức thảm bại ở World Cup 2018, nơi họ bị loại ngay từ vòng bảng dù đến nước Nga với tư cách nhà đương kim vô địch thế giới.
Trên các mạng xã hội, nhiều người chỉ ra rằng thất bại của đội tuyển Đức càng khiến người dân bất mãn hơn với chính sách tiếp nhận người tị nạn của Thủ tướng Angela Merkel. Không khí u ám bao trùm hoàn toàn khác với khi Đức đăng quang ngôi vô địch World Cup 2014 ở Brazil, thời điểm nước này nói riêng và châu Âu nói chung chưa lâm vào tình cảnh khủng hoảng tị nạn.
Khi Đức đăng cai World Cup 2006, chính phủ quốc gia này cùng liên đoàn bóng đá đã có hẳn một chiến dịch xây dựng nên một hình ảnh nước Đức thống nhất và đoàn kết dưới lá cờ Tổ quốc, cùng hướng về một mục tiêu chung.
Die Mannschaft không vô địch trên sân nhà, nhưng chiến dịch nhân văn ấy đã thành công một cách rực rỡ. Từ một đất nước bị ám ảnh bởi chủ nghĩa phát xít, người Đức đã thể hiện tình yêu nhiệt thành, công bằng với mọi cầu thủ bất chấp khác biệt sắc tộc.
Các nhà lãnh đạo Đức muốn nhấn mạnh rằng các cầu thủ nên tự hào về gốc gác khác biệt của mình, đồng thời kêu gọi người dân phá bỏ định kiến và giúp người nhập cư nhanh chóng hòa nhập. Đội tuyển quốc gia trở thành biểu tượng cho một nước Đức hội nhập và phát triển, sẵn sàng chấp nhận các giá trị khác biệt.
Nhưng cuộc khủng hoảng tị nạn năm 2015, chỉ 1 năm sau khi Đức vô địch World Cup đã làm thay đổi tất cả. Đức đã đón hơn 1,5 triệu người dân từ các nước Trung Đông và Bắc Phi nhờ chính sách tiếp nhận người tị nạn của Thủ tướng Merkel. Nhiều người Đức coi cộng đồng nhập cư là khởi nguồn của mọi rối ren và bất an trong xã hội.
Người dân quốc gia này có cái nhìn cực đoan hơn về những người nhập cư. Điều này được thể hiện rõ khi tháng 9-2017, với 13% số phiếu, đảng cực hữu Sự lựa chọn mới cho nước Đức (AfD) chính thức bước vào cơ quan dân cử quyền lực nhất, trở thành đảng lớn thứ 3 trong quốc hội.
Lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, nước Đức với nỗi ám ảnh khủng khiếp từ bóng ma phát xít lại có đến gần 90 nghị sĩ đại diện cho một đảng chính trị cực hữu mang tư tưởng phát xít với tư tưởng chống nhập cư, dân tộc chủ nghĩa cực đoan.
Mọi thứ cũng thay đổi trên sân cỏ. Trong trận giao hữu trước thềm World Cup 2018 với Saudi Arabia, cổ động viên Đức không ngừng la ó, huýt sáo phản đối tiền vệ gốc Thổ Nhĩ Kỳ Ilkay Gundogan, kể cả khi huấn luyện viên Joachim Loew dùng tay ra hiệu người hâm mộ dừng lại.
Với tuyên bố “Hồi giáo không thuộc về nước Đức”, phe cực hữu đề cao chủ nghĩa dân tộc tất nhiên không chấp nhận cầu thủ gốc Thổ góp mặt trong đội tuyển quốc gia, niềm kiêu hãnh của cả đất nước.
Trong bầu không khí căng thẳng đó, Guendogan và Oezil, những ngôi sao gốc Thổ trong đội tuyển Đức lại “đổ thêm dầu vào lửa” khi chụp ảnh với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chỉ một tháng trước khi World Cup diễn ra.
Guendogan còn tặng ông Erdogan chiếc áo đấu có ghi dòng chữ “gửi tổng thống của tôi”. Dù sau đó Guendogan đã giải thích và tuyên bố lòng trung thành với nước Đức, nhưng đó là cái cớ quá rõ ràng để những kẻ cực hữu vin vào nhằm tuyên truyền cho mục đích chính trị của mình.
3/4 đội tuyển vào bán kết World Cup 2018 đều có nhiều cầu thủ nhập cư
3/4 đội bóng lọt vào bán kết World Cup 2018 đều có tỷ lệ cầu thủ nhập cư trong thành phần lớn hơn tỷ lệ dân nhập cư của toàn dân số quốc gia.
Cụ thể, tỷ lệ các cầu thủ mang trong mình dòng máu châu Phi của đội tuyển Pháp (78,3%) vượt xa tỷ lệ người nhập cư chung của toàn nước Pháp (6,8%). Trong số 23 tuyển thủ Bỉ tham dự World Cup năm ngoái, có 11 người có nguồn gốc nhập cư (chiếm tỷ lệ 47,82%), so với tỷ lệ chung của toàn quốc gia là 12,1%. Với đội tuyển Anh, số lượng cầu thủ nhập cư cũng là 11 người, so với mức trung bình của toàn quốc là 9,2%.
Nhà sử học Yvan Gastaut thuộc trường Đại học Nice (Pháp) cho biết bóng đá cho phép xoa dịu vấn đề di dân, đang tiềm ẩn gây ra một cuộc khủng hoảng mới tại các nước châu Âu. Nhờ dòng người nhập cư, bóng đá đã trở nên phong phú, đa dạng và đầy màu sắc. Mặc dù vậy, các cầu thủ nhập cư cũng dễ dàng trở thành nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc, của các phe phái chính trị mang tư tưởng cực hữu.
Năm 2016, thành viên đảng cực hữu AfD từng vấp phải nhiều chỉ trích khi đưa ra lời nhận xét nhuốm màu phân biệt chủng tộc về ngôi sao da màu Jerome Boateng, người có gốc Ghana.
“Mọi người đều thích anh ấy như một cầu thủ bóng đá. Nhưng không ai muốn Boateng trở thành hàng xóm của mình cả”, báo Đức dẫn lời bình luận của ông Alexander Gauland, Phó chủ tịch đảng AfD.